Tàu ra vào cảng TP HCM sắp nghẽn lối
Thứ tư, 22/10/2008, 06:48 GMT+7
Hoặc phải dừng việc thi công cầu Phú Mỹ, hoặc tiếp tục làm cầu thì phải chấp nhận ách tắc phân nửa tàu thuyền thông thương ra vào sông Sài Gòn.
Làm việc với lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp hôm 14/8, đại diện Công ty TNHH một thành viên cảng Sài Gòn cho rằng, những cảng ở quận 4, quận 7 như Nhà Rồng - Khánh Hội, Tân Thuận, Tân Thuận 2 thuộc Cảng Sài Gòn; VICT, Bến Nghé, Lotus... mỗi ngày nhận rất nhiều tàu có tải trọng lớn, chiều cao lên tới 42m. Những tàu nhỏ cũng cần độ cao an toàn lên đến 36 m.
Vì vậy theo nhiều chuyên gia, việc chủ đầu tư cầu Phú Mỹ - cầu dây văng hiện đại nhất TP HCM nối quận 4 với quận 7 - hạn chế độ cao tàu qua lại khu vực này (tĩnh không thông thuyền) chỉ 37,75 m, sẽ đình trệ hàng trăm chuyến tàu ra vào khu vực này.
Ông Mạc Đăng Nốp, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ phải vội vàng trấn an là việc hạn chế độ cao này chỉ thực hiện trong vòng 3 tháng (từ tháng 12 đến tháng 2/2009) trong thời gian thi công đoạn giữa lòng sông.
![]() |
Bốc dỡ hàng hóa ở cảng Sài Gòn. Ảnh: An Nhơn. |
Thế nhưng nhiều chuyên gia lo ngại 3 tháng ấy thôi cũng đủ khiến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cảng ở Sài Gòn bị tê liệt, do mỗi ngày có hàng trăm tàu thuyền thông thương.
Nhiều giải pháp đưa ra cũng không được đánh giá khả thi, thậm chí đi vào ngõ cụt.
Ông Nguyễn Văn Thư, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giao thông vận tải phân tích: "Ngay từ khi thực hiện dự án cầu Phú Mỹ, các bên đã không có sự đồng bộ và dẫn đến hậu quả như hiện nay: một là dừng thi công cầu, hai là dùng tàu nhỏ để lách qua gầm cầu nếu muốn giải quyết vấn đề này".
Theo nhiều chuyên gia hàng hải, đương nhiên dừng xây cầu thì không thể, còn chuyển tải hàng từ tàu lớn qua tàu nhỏ cũng vi phạm các hợp đồng vận chuyển đã ký nên buộc phải tính tới các biện pháp khác. Ví như xúc tiến nạo vét lòng sông, hoặc tạo hẳn luồng mới để tàu vào. Song sáng kiến này ngay lập tức bị nhiều người phản đối vì tàu đi theo con nước, nạo vét lòng sông cũng chẳng có tác dụng nhiều.
Quan điểm của ông Hoàng Tất Thắng, Cục phó Cục hàng hải Việt Nam là, về nguyên tắc, đơn vị thi công cầu Phú Mỹ phải đảm bảo lưu thông cho luồng tàu. Ông nói: "TP HCM có thể xem xét khả năng chuyển bớt tàu qua cảng Cát Lái để tránh bị ảnh hưởng nhiều". Nhưng trên thực tế, từ đầu năm nay, cảng Cát Lái đã quá tải và phải chuyển "gửi" qua cảng Sài Gòn 2 tới 5 tàu một tuần, nên chuyện san sẻ là nhiệm vụ bất khả thi.
Đại diện của Công ty Cổ phần thiết kế cảng kỹ thuật biển nói hiện thành phố không còn chỗ nào để xây cảng tạm nên nếu "đóng" bớt luồng tàu qua cầu Phú Mỹ thì sẽ gây thiệt hại lớn đến nền kinh tế quốc gia.
Trước tình hình tất cả giải pháp đưa ra đều đi vào ngõ cụt, lãnh đạo Cục hàng hải cho biết sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tiếp cận thực tế với sự có mặt của các bên liên quan để tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho việc thông luồng tàu ra vào các cảng TP HCM.
Cầu Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư lên đến hơn 2.000 tỷ đồng, nối liền hai quận 4 và 7, dài hơn 2 km, rộng 27,5 m, chính thức khởi công ngày 22/2 năm ngoái do liên danh Bilfinger Berger (Đức) và Bauldestone Hornibrook (Australia) thi công.
Các tin khác :
- Luật mới cộng thêm 30 USD mỗi TEU tại các cảng California (22/10/2008)
- Giá dầu giảm mạnh (22/10/2008)
- Xây dựng cảng container quan trọng nhất phía Nam (22/10/2008)
- Giá dầu tiếp tục đắt hơn (19/09/2008)
- Thả nổi giá xăng nhưng vẫn cần giám sát (19/09/2008)